Thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền biển đảo, tuyền truyền thu hút nguồn nhân lực giữa Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lâm Đồng và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân năm 2023; Công văn số 111/PGDĐT ngày 25/01/2024 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Đà Lạt về việc phúc đáp tờ trình số 14/TTr-THCSPCT của trường THCS Phan Chu Trinh về việc xin tổ chức chương trình “Em yêu biển đảo” cho học sinh lớp 9 năm học 2023-2024; Kế hoạch hoạt động ngoại khóa trải nghiệm hướng nghiệp của trường THCS Phan Chu Trinh, nhà trường đã tổ chức cho học sinh khối 9 tham quan, tìm hiểu thực tế tại Cam Ranh - Khánh Hòa với chủ đề “Em yêu biển đảo”. Mục đích của chuyến trải nghiệm thực tế nhằm tiếp tục nâng cao hiểu biết, lan tỏa tình yêu biển đảo xây dựng lực lượng Hải quân chính quy hiện đại cho học sinh khối 9. Trong thời gian hai ngày (02,03/3/2024), học sinh đã được tham quan trải nghiệm các địa điểm:
Ngày 03/3/2024, thầy cô và học sinh nhà trường đã có chuyến tham quan, giao lưu với cán bộ chiến sĩ tàu Hải quân 286 - Lê Quý Đôn tại Quân cảng Học Viện Hải Quân, tỉnh Khánh Hòa. Tại buổi giao lưu, thuyền trưởng, Chính trị viên đón tiếp, giới thiệu về biển đảo, nhiệm vụ của tàu Hải quân Lê Quý Đôn.
Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn là con tàu buồm hiện đại, duy nhất của
Hải quân nhân dân Việt Nam mang thông điệp hòa bình và hữu nghị, đang ngày càng trở nên quen thuộc với các nước bạn bè trong khu vực. Tàu gồm 21 lá buồm, có diện tích 1.400m
2 với 186 dây. Cột buồm cao nhất 42,5m. Đứng trên boong tàu, giữa vùng biển mênh mông trên nền trời xanh cao vòi vọi, hình ảnh con tàu sừng sững, kiêu hùng đến thế. Hình ảnh ấy càng cho thấy sự lớn mạnh,
chính quy, hiện đại; được trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và Quân cảng Học Viện Hải Quân tỉnh Khánh Hòa nói riêng.
Rời Quân cảng Học Viện Hải Quân, học sinh được tới thăm viếng khu tưởng niệm Gạc Ma, nơi tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Nằm trên triền cát trắng gió lộng, trong lòng vịnh Cam Ranh xinh đẹp, Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma tọa lạc tại vị trí trung tâm của Bãi Dài, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Công trình thể hiện lòng biết ơn, sự tưởng nhớ, tình cảm tri ân sâu sắc của nhân dân cả nước đối với những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo. Đây là nơi tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi vào ngày 14/3/1988 trong trận chiến đấu với kẻ thù trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa. Công trình được khởi công xây dựng năm 2015, khánh thành vào năm 2017. Tượng đài có tên “Những người nằm lại phía chân trời” khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm của Tổ quốc, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma. Trước lúc hi sinh, các anh đứng thành vòng tròn, bất tử trước mũi lê, làn đạn của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, giữa xung quanh là sóng nước Trường Sa mênh mông. Sự hi sinh kiên cường của 64 người chiến sĩ ấy mãi mãi là bản hùng ca bất tử, truyền ngọn lửa yêu nước, tình yêu biển đảo thiêng liêng cho các thế hệ hôm nay. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, ở lứa tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của cuộc đời, trở thành những tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim Việt.
Điểm đến cuối cùng trong chuyến trải nghiệm thực tế là làng nghề Trường Sơn nằm số 6 đường Trường Sơn, Nha Trang. Làng nghề Trường Sơn có tổng diện tích gần 2ha. Tại đây, du khách, học sinh có thể tìm hiểu về các nghề thủ công truyền thống; tham quan cảnh đẹp - cây xanh; thưởng thức nhạc cụ dân tộc, ẩm thực; chụp ảnh... Dạo bước bên những bông hoa đang đua nhau nở trong hương thơm ngan ngát, du khách như trút bỏ mọi muộn phiền của cuộc sống tất bật ngoài kia, nhường chỗ cho sự thoải mái và thanh thản trong tâm hồn. Đến với làng nghề, du khách, học sinh sẽ được chiêm ngưỡng 10 kỷ lục Việt Nam về văn hóa và thủ công mỹ nghệ được làm ra từ chính đôi bàn tay của những nghệ nhân. Các kỷ lục hiện được trưng bày tại làng nghề. Trong đó, có 2 bức tranh cát (vuông và tròn) tạo hình bằng chữ thư pháp lớn nhất
Việt Nam; mô hình trống đồng Ngọc Lũ đan bằng sợi tổng hợp có đường kính lớn nhất; bức tường tạo tác bằng cây sanh gắn bộ hình chân dung để tôn vinh các danh nhân Việt Nam và thế giới đan bằng sợi tổng hợp lớn nhất; mô hình quả bầu hồ lô lớn nhất được kết nối từ 542 quả bầu nhỏ viết tay tác phẩm Truyện Kiều bằng thư pháp Việt… Ngoài ra, còn có 2 kỷ lục của cá nhân cũng được trưng bày tại đây để người dân và du khách chiêm ngưỡng. Đến đây, học sinh có cơ hội tìm hiểu về nhiều nghề thủ công truyền thống như chằm nón, đan song mây, đan lưới, dệt chiếu, làm ốc mỹ nghệ, làm gốm, vẽ tranh cát, mộc mỹ nghệ, thư họa, làm hoa đất sét, chế tác nhạc cụ truyền thống, nặn tò he, chạm khắc bầu… Làng nghề giới thiệu đến du khách, học sinh nghề đan lưới và các loại hình khai thác hải sản của cư dân làng biển. Không gian nơi đây được trang trí đẹp mắt nên rất nhiều du khách, học sinh lưu lại những bức ảnh làm kỷ niệm.
Thời gian chuyến đi 02 ngày nhưng đã đọng lại trong các em một cảm nhận mới, thêm một trải nghiệm mới. Chuyến đi không phải cùng người thân mà cùng thầy cô, bạn bè – một môi trường hoàn toàn mới. Từ chuyến đi này, mỗi học sinh có thêm những kĩ năng, có thêm những hiểu biết. Nhưng có lẽ đọng lại trong các em là những cảm xúc, niềm tự hào dân tộc, được bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, tình yêu biển đảo. Hi vọng từ những điều các em được chứng kiến, được lắng nghe và cảm nhận theo cảm xúc của mình thì những kiến thức từ những trang sách, từ bài dạy của thầy cô về tình yêu quê hương đất nước, về sự hi sinh anh dũng của bao thế hệ anh hùng. Đặc biệt là cái nhìn đúng đắn về đất nước, về nhiệm vụ của các chiến sĩ hải quân, về quân đội nhân Việt Nam và những con người lao động chân chính sẽ càng được rõ ràng, để các em thêm yêu thương, tôn trọng và tự hào về truyền thống dân tộc. Từ đó, các em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức, rèn luyện bản lĩnh và xác định cho mình một con đường học tập đúng đắn và theo đuổi ước mơ mình đã chọn.